Cũng theo khảo sát này, 50% người tiêu dùng châu Á – Thái Bình Dương vẫn trực tiếp mua sắm tại các cửa hàng. Trong khi đó, số liệu mới được công bố tại các thị trường mới nổi cho thấy rằng, 76% người tham gia khảo sát ở Trung Quốc và 68% ở Ấn Độ sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến như là cách mua hàng phổ biến nhất. Đây cũng là thực tế tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc (73%) và Đài Loan (55%).
Ông Jonathan Hsu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE châu Á – Thái Bình Dương nhận định, các thị trường mới nổi thường thiếu hụt không gian bán lẻ chất lượng, đặt biệt ở các thành phố cấp thấp. Tuy nhiên, những quốc gia này lại có lợi thế về công nghệ và hệ thống kho bãi, đồng nghĩa với việc bán lẻ trực tuyến là cách hiệu quả nhất cho các nhà cung cấp để tiếp cận được khách hàng.
Cùng với sự tiện lợi, giá cả cũng là một trong những lý do khiến người tiêu dùng mua sắm trực tuyến – 63% người tham gia khảo sát cho rằng đó là yếu tố quyết định chính và đó cũng là câu trả lời của những người mua sắm tại cửa hàng.
Giám đốc, Trưởng Bộ phận Bán lẻ CBRE Châu Á, ông Joel Stephen cũng cho rằng, 56% người tiêu dùng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sử dụng máy tính bàn hoặc máy tính xách tay (laptop) để kiểm tra giá các sản phẩm trên mạng, do đó việc minh bạch giá là điều quan trọng mà các nhà bán lẻ phải cân nhắc.
“Chúng tôi từng kiến nghị các nhà bán lẻ xem xét lại chiến lược giá trong khu vực của họ, đặc biệt là tại Trung Quốc và Hàn Quốc, nơi có đến hai phần ba lượng người tiêu dùng lựa chọn giá thành thấp và ưu đãi tốt hơn. Tại Châu Á – Thái Bình Dương, những thương hiệu cao cấp nước ngoài thường có giá cao hơn do phải chịu thêm các khoản phí nhập khẩu, tỷ giá trao đổi và chi phí mô hình nhượng quyền. Điều này có thể thúc đẩy người tiêu dùng chọn lựa các kênh mua sắm thay thế như thị trường trực tuyến nước ngoài để có được giá tốt hơn”, ông Joel Stephen lý giải.
Khả năng so sánh các sản phẩm mà không cần phải đi đến các cửa hàng hiện hữu là một nhân tố quan trọng khác thúc đẩy người tiêu dùng trong khu vực khi mua sắm trên mạng. Xu hướng này ngày càng thể hiện rõ hơn tại các thị trường mới nổi với những trung tâm mua sắm hoặc thương hiệu cao cấp thường nằm cách xa nhau như Việt Nam (64%), Trung Quốc (61%) và Ấn Độ (58%).
Cũng theo CBRE, những người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18 đến 24 được kỳ vọng sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn tới thị trường bán lẻ trong những năm tới khi mức thu nhập của họ dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng khi đi làm.
Ông Hsu nhận định, nhóm khách hàng này dành phần lớn thời gian của họ sử dụng internet và các công nghệ liên quan khác, nên người tiêu dùng ở thế hệ này có hành vi mua sắm hoàn toàn khác với các nhóm khác.
CBRE cho rằng, để thích ứng với thời đại số, nhà bán lẻ và chủ tòa nhà cần chủ động hơn trong quá trình gia tăng tương tác với khách hàng. Giao dịch qua điện thoại di động là một công cụ khá phù hợp ở các thị trường mới nổi và tại nhiều nơi, điện thoại thông minh là thiết bị đầu tiên, đôi khi cũng là thiết bị duy nhất, cho phép người tiêu dùng truy cập internet từ bất cứ địa điểm nào. Do đó, thiết bị này đóng một vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy nhịp tăng trưởng của ngành bán lẻ trực tuyến. Các ứng dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích về hành vi tiêu dùng của khách hàng.
“Chủ trung tâm thương mại và nhà bán lẻ nên nhaỵ bén hơn để bắt kịp với những xu hướng mới nhất về ứng dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội, từ đó xây dựng mối tương tác chặt chẽ với người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng thuộc thế hệ trong độ tuổi từ 18 đến 24″, ông Stephen nói.
Khảo sát của CBRE cũng cho thấy, trên toàn châu Á, gần 70% người tiêu dùng đến cửa hàng để nhận sản phẩm đã đặt trực tuyến và có tới 90% số này mua thêm sản phẩm khác trong quá trình này.
“Đây là một cách hiệu quả để tăng doanh số bán hàng tại quầy, từ đó đồng bộ hóa môi trường bán hàng trực tuyến với môi trường bán hàng trực tiếp. Để làm được điều này, những hỗ trợ về tiện ích và việc thường xuyên nâng cấp trang thiết bị từ phía chủ tòa nhà là điều kiện tiên quyết cho các khách thuê kết hợp và triển khai chặt chẽ các chiến lược bán hàng đa kênh”, nhóm khảo sát nhận định.
Ngọc Tuyên
Công suất văn phòng cho thuê TP HCM cao nhất 7 năm
Đến cuối năm 2017, dự kiến TP HCM sẽ đón nhận hơn 500.000 m2 văn phòng cho thuê.
Ở mảng mặt bằng bán lẻ, thị trường TP HCM cũng có công suất thuê ấn tượng (trung bình 92%) trong quý II/2015, tăng 7% so với cùng kỳ.