Vị này phân tích, giai đoạn trước, những cổ phiếu như GAS, PVD, PET… tăng trưởng ổn định, do đó nhà đầu tư sẽ mua bằng nguồn tiền vay (margin). Tuy nhiên, khi thị trường giảm liên tiếp, nhiều nhà đầu tư đã mất niềm tin hoặc “hoảng loạn”, họ không chịu nổi trước những cú sốc giảm giá 40-50%.
“Mất khả năng trả nợ buộc phải bán tháo, nếu không qua ngày mai công ty chứng khoán cũng sẽ bán và nhà đầu tư sẽ thiệt hại nặng nếu cổ phiếu tiếp tục giảm sàn”, chuyên viên này cho biết. Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách và trong ngắn hạn không có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường cũng khiến cho Vn-Index rơi mạnh trong phiên hôm nay.
Phiên ngày 17/12 được giới đầu tư đánh giá là phiên bán giải chấp , dù không có bất kỳ một thông tin bất lợi nào trong nước nhưng toàn thị trường đều chạy theo tâm lý đám đông, ông Phương giải thích. Tuy nhiên, đại diện từ FPTS cho biết thị trường sẽ tìm lại được điểm cân bằng sau vài phiên tiếp theo khi những nhà đầu tư bị lỗ đã bán hết cổ phiếu. Mốc 500 điểm sẽ được xem là ngưỡng hỗ trợ của thị trường.
Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán ACBS, Phạm Phú Khôi cho biết: “Phiên giảm điểm ngày 17/12 chịu tác động kép của nhiều yếu tố: giải chấp, tâm lý hoảng loạn, tháo chạy bầy đàn, giá dầu thế gới tiếp tục giảm, khối ngoại vẫn bán ròng và bất ổn toàn cầu gia tăng”.
Theo ông Khôi, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầy khó khăn và nhiều thách thức nhất trong năm 2014. Chỉ số bất ổn toàn cầu đang bị đẩy lên cao trào đã không từ bỏ cơ hội tấn công bất cứ thị trường nào, trong đó có Việt Nam.
Ông Khôi phân tích, đầu tiên là cú sốc giá dầu ngày càng nặng nề tạo nên tâm lý bi quan cho cả giới đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều nhà phân tích hàng đầu thế giới còn đưa ra dự báo giá dầu có thể xuống mức 40 USD một thùng khiến cho niềm tin giá nhiên liệu sẽ tạo đáy mới trở nên mạnh mẽ. Điều này tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng nửa tháng qua và sẽ còn là cú sốc âm ỉ trong thời gian tới.
Kế đến là nền kinh tế toàn cầu đang bị bóng đen bất ổn kinh tế (nhiều cường quốc ở châu Á, Âu và Mỹ) chi phối. Điều này đã tạo nên làn sóng thu hồi vốn mạnh mẽ của các quỹ đầu tư để phòng thủ và tìm phương án an toàn. Theo đó, các quỹ đầu tư sẽ chốt lời sớm hơn mùa vụ hoặc kiên quyết xả hàng để thu hồi vốn. Động thái rút tiền do đó sẽ được thi hành triệt để ở nhiều thị trường khác nhau, trong đó có Việt Nam.
Nguyên nhân thứ ba cũng có liên quan đến động thái rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Phiên hôm nay khối ngoại vẫn duy trì bán ròng bất chấp việc giá bị sụt giảm. Nếu trước đây nhà đầu tư nước ngoài thường mua vào với lượng giá trị khá lớn thì hiện nay lực rút ròng lấn lướt. Đây là tín hiệu bất lợi cho sự hồi phục của thị trường trong ngắn hạn.
CEO Công ty ACBS cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất đẩy Vn-Index về sát vùng 518 điểm phiên hôm nay chính là áp lực giải chấp. Giá cổ phiếu càng giảm sâu thì tình trạng call margin càng căng thẳng. Đòn bẩy tài chính có thể biến thành cơn lốc tháo hàng khiến thị trường chao đảo mạnh. Mục tiêu giải chấp của nhà đầu tư này có thể khiến cho nhà đầu tư kia hoang mang, tạo nên tâm lý xả hàng bầy đàn, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Với việc giá dầu có thể rớt thêm, nhiều khả năng xu hướng giảm tiếp tục đè nặng thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu có thể sẽ tiếp tục đi xuống, bất chấp toàn thị trường đã điều chỉnh rất mạnh trong thời gian qua. “Những phiên tới, cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra những phương án hỗ trợ hiệu quả để ổn định tâm lý nhà đầu tư cũng như bảo vệ quyền lợi của họ nhằm tránh sự hoảng loạn lây lan trên thị trường theo tâm lý bầy đàn”, ông Khôi nói.
Hà Thanh – Huyền Thư
Chứng khoán tăng điểm trở lại
Trong đợt một, gần 2,5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng (tương đương 46,6 tỷ đồng) đã giúp Vn-Index tăng gần 4,7 điểm, lên 522,9 điểm.
Đà tăng tiếp tục trong đợt khớp lệnh liên tục.